Soikeochuan.vip Tìm kiếm nhanh

V.League tăng suất xuống hạng, tại sao không?

Trong bối cảnh các CLB Hạng Nhất đang được đầu tư nhiều hơn về nguồn lực, việc mở rộng suất thăng hạng sẽ tạo thêm động lực để họ phấn đấu. Ngược lại, việc mở rộng vùng xuống hạng cũng hứa hẹn tăng tính cạnh tranh cao hơn nữa cho các CLB ở V.League.




Trong suốt những năm qua, các đội bóng tại V.League thường có tỷ lệ trụ hạng cao. Lý do là bởi số suất xuống hạng thường dao động từ 1 đến 1,5 (bao gồm 1 suất xuống hạng trực tiếp và 1 đội phải đá play-off giữa đại diện đứng áp chót của V.League với đội xếp thứ hai ở giải Hạng Nhất). Ở những trận đấu theo kiểu này, các đại diện của V.League luôn thắng thế và tiếp tục ở lại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Có thể kể đến những trường hợp của Thanh Hóa hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh – những đội đã trụ lại ở V.League sau loạt trận tranh vé vớt ở những mùa giải gần đây. Vô hình trung, điều này khiến giải đấu của bóng đá Việt Nam chưa tạo được sự khốc liệt, cạnh tranh. Ngoài ra, cánh cửa lên V.League của một số đội bóng tại Hạng Nhất vẫn còn hẹp.

Nhìn rộng ra trong khu vực Đông Nam Á, các giải đấu hàng đầu của Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều tạo ra sự cạnh tranh rất lớn với số suất lên, xuống hạng ít nhất từ 2 trở lên. Thai League có 16 đội nhưng số suất xuống hạng lên tới 3, và điều này tạo ra sự cạnh tranh cực lớn, không chỉ ở cuộc đua vô địch mà còn là cuộc chạy trốn tấm vé xuống hạng.

Chính sự hấp dẫn ở 2 cuộc đua này mang tới sức hút cho Thai League và đó là một phần lý do bản quyền truyền hình của giải đấu này ở tốp đầu khu vực. Liga của Indonesia có 18 đội và cũng duy trì 3 đội xuống hạng trong thời gian qua. Hay như Super League của Malaysia, giải đấu chỉ có 13 đội nhưng ban tổ chức luôn duy trì 2 đội xuống hạng và 2 đội ở Hạng Nhất được thăng hạng.

Trở lại với môi trường bóng đá Việt Nam, số suất lên xuống hạng hiện chỉ là 1,5. Con số này có thể là phù hợp với thực tế vài năm về trước. Dẫu vậy ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, sự điều chỉnh về việc lên, xuống hạng hứa hẹn sẽ đem đến nhiều giá trị hơn cho hệ thống giải chuyên nghiệp Việt Nam, từ V.League cho đến Hạng Nhất.

Có thể kể đến như V.League, các đội bóng sẽ không dễ dàng thoát hiểm, hết động lực khi số suất xuống hạng tăng lên. Trong khi đó ở giải Hạng Nhất, nhiều đội bóng có tham vọng, có sự đầu tư cũng có thêm nhiều niềm hy vọng thăng hạng. Bên cạnh đó, việc tăng thêm suất thăng hạng ở giải Hạng Nhất cũng có thể tiếp thêm động lực cho cầu thủ trẻ. Hãy thử tưởng tượng, nếu nhóm cầu thủ trẻ của PVF như Công Đến, Thanh Nhàn, Đức Phú… có cơ hội thăng hạng từ cách đây 2-3 mùa giải và được thi đấu ở môi trường cao nhất của bóng đá Việt Nam thì sự phát triển sẽ còn tốt hơn nữa.

Từ mùa giải 2025/26 tới, giải Hạng Nhất tham vọng hướng tới việc tăng lên thành 14 đội, ngang bằng với V.League. Một số nhà tài trợ sẵn sàng hỗ trợ tài chính để phát triển các đội Hạng Nhất và trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Đó là nền tảng tốt để LĐBĐ Việt Nam và công ty VPF cân nhắc, suy nghĩ thêm về khả năng tăng số suất lên xuống hạng từ 2 đến 2,5, thậm chí là 3 suất để tạo ra sự hấp dẫn ở cả 2 chiều của các giải đấu. Điều này vừa tăng sức hút cho cuộc đua trụ hạng tại V.League vừa tạo động lực cho Hạng Nhất với nhiều cầu thủ trẻ giàu khát khao. Khi ấy, bóng đá Việt Nam có thể tạo ra thêm những thế hệ kế cận giàu bản lĩnh trận mạc, được trải nghiệm ở môi trường cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Phạm Thành Hưng

Phạm Khánh Hưng

Phạm Thanh Hưng là một trong những cây viết thể thao, đặc biệt là bóng đá hàng đầu Việt Nam, những bài viết, bài phân tích của anh luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng.